Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Hocbong.org

Hoàng Thùy: "Không Ai Đánh Thuế Ước Mơ"

Sắc sảo, lạnh lùng, thông minh, yếu đuối. Cái thì trời cho. Cái thì những trải nghiệm, những bầm dập của cuộc đời mang đến.
Cái đầu hoạt động hết công suất trong công việc, nhưng con tim cũng hành động vì nó một cách hết mình khi yêu. Thế nên, với Xuân Lan, gần như có 2 số phận tách biệt trong một con người: một danh tiếng, một khổ hạnh.
Và cái đầu thông minh, gương mặt sắc lạnh đó có giúp cô thoát khỏi những khổ hạnh của đời mình hay không?

15 năm người mẫu
“15 năm với nghề người mẫu, gần như chị cũng là trường hợp duy nhất ở Việt Nam bám trụ với nghề lâu như thế. Nhiều người mẫu đã từng lý giải về lý do thôi nghề của họ rằng, nghề người mẫu đã (và sẽ) lấy hết tuổi thanh xuân của họ. Chị có thấy vậy không?
Nghề người mẫu mang lại cho một người đẹp nhiều thứ chứ chẳng lấy đi của ai cái gì cả. Cho đến giờ, những thành tích tôi đạt được cũng như những gì tôi có trong hiện tại, đều là do nghề người mẫu mang lại. Nếu tuổi thanh xuân của tôi hay của các người mẫu không gắn với nghề người mẫu thì ai biết đến tuổi thanh xuân của chúng tôi đẹp như thế nào? Tôi cho rằng, nếu một bạn người mẫu nào đó sống thờ ơ với nghề, sử dụng nghề người mẫu như một mục đích x, y, z nào đó sau đó đổ cho nghề người mẫu thế này thế kia, lấy đi tuổi thanh xuân thế này thế nọ, thì chẳng bao giờ làm được một việc gì nên hồn cả.

Hầu hết người mẫu cho rằng, thu nhập từ sàn diễn không cao, nếu không muốn nói là nghèo. Thậm chí, có người nói rằng, nghề nghèo thế kia mà khá khen cho một đàn chị, theo đuổi nghề những 15 năm đấy?
Không cao là đúng. Nhưng nghèo thì không. Đừng so sánh thu nhập của người mẫu với thu nhập khủng của những ca sĩ ngôi sao hay thu nhập của một đại gia, mà hãy so sánh với phần lớn những người lao động trong xã hội này, cũng đủ để bạn phải trân trọng hay thậm chí thấy mình may mắn đến mức nào. So với đồng lương của những công chức tốt nghiệp đại học, nhiều khi một show diễn của bạn bằng 1/3 lương của người ta rồi, trong khi lao động của bạn khá nhẹ nhàng và chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Thậm chí, so với một diễn viên kịch, khóc khóc cười cười suốt mấy tiếng đồng hồ, cũng chỉ mấy trăm ngàn, thì thu nhập của nghề người mẫu đâu có thấp?
Tôi cũng là một người thích làm việc, thích có cơ hội làm việc và tự hào về nghề luôn cho tôi những cơ hội kiếm tiền chân chính. Những đồng tiền tôi kiếm được nói lên rằng tôi là một người mẫu giỏi, biết kiếm tiền, cho tôi một cuộc sống khá sung túc, thoải mái. Tôi lo cho mình đủ điều kiện, phương tiện cho công việc giúp cho bố mẹ tôi trang trải đời sống. Có những người mẫu dù vất vả nhưng họ dành dụm, tích cóp, sống đơn giản với những nhu cầu chi tiêu khá bình thường nhưng họ đảm bảo được cuộc sống của họ và đầu tư được cho sự nghiệp lâu dài. Tôi trân trọng những con người như thế, những ý chí như thế và tôi cho rằng, đó là những người may mắn. Ngược lại, tôi dị ứng với những người mẫu mà suốt ngày cứ mở miệng ra là: nghề người mẫu phức tạp quá, nhiều scandal quá hay nghèo quá… Nếu nghề xấu, nghề rắc rối, thì chọn làm gì?
Đâu phải ai cũng như chị, là tôn thờ nghề một cách tuyệt đối? Vì trong nhiều trường hợp, một cô gái trẻ, đẹp, cao ráo tìm đến với nghề người mẫu, nhiều khi chỉ vì muốn có một cái mác thôi mà?
Những người đó tôi không coi là người mẫu. Có một cô người mẫu, mang tiếng là “người mẫu tố dâm”, cô ta tố cáo “đồng nghiệp” cũng ầm ĩ một thời gian. Tôi thì không đặt ngang hàng phải lứa những cô gái làm chuyện mờ ám kia là đồng nghiệp để mà “tố”, rồi lấy tiếng vang cho bản thân. Nghề người mẫu đúng nghĩa, là nơi tập hợp những người đàng hoàng, tử tế và tự trọng, trân trọng chính cái nghề mình đã chọn. Với tôi, nghề người mẫu rất đẹp. Chính người mẫu, chứ không ai khác, chuyển tải những thông điệp thời trang đến cho công chúng.
Còn chuyện nọ hay chuyện kia ở nghề này hay nghề kia là do sự lựa chọn của từng người. Người mẫu cũng có rất nhiều người tử tế cũng như doanh nhân hoặc những nghề mà xã hội cho là cao quý, cũng không ít những người hư hỏng, vậy thôi. Chúng ta đang bị áp lực ở xã hội Việt Nam mà cứ nhắc đến người mẫu là người ta cứ nghĩ theo chiều hướng xấu. Nhưng chúng ta mở ra và nhìn rộng hơn ra thị trường thời trang cũng như các sàn diễn thế giới, đó là một công nghệ thời trang và những người mẫu ở đó được sống và làm việc hết mình với nghề.


Theo chị, ngoài đôi chân, để một người mẫu thành công thì cái đầu chiếm bao nhiêu phần trăm?
40%, đủ để làm cho bạn trở thành một người mẫu được nhớ và tồn tại được với nghề. Còn lại, cái đáng chiếm 45% cộng với tố chất, lửa đam mê và sự hết mình với nghề là 15% còn lại. Nếu bạn thông minh, biết xử lý tình huống và biết tạo điểm nổi bật của mình trong một nhóm bạn diễn, biến bạn thành một người đa dạng, thích hợp với nhiều bộ sưu tập, thích hợp với các thời điểm khác nhau và hóa thân được vào nhiều hình ảnh khác nhau ở các sàn diễn khác nhau. Còn nếu chỉ có vóc dáng mà không có cái đầu, bạn sẽ là một gương mặt rất nhàm chán vì bạn không biết xử lý bạn thành mới hơn. Có thể bạn lạ lúc đầu với một vóc dáng và sắc mặt nhưng nếu không biết thay đổi, bạn sẽ mãi một màu.
15 năm làm nghề, tôi đã sử dụng cái đầu của mình để tạo thành một siêu mẫu Xuân Lan lạnh lùng, cá tính và để lại nhiều dấu ấn đậm. Ánh mắt khác biệt, mặt lạnh hơn và bước chân tỉnh táo, là những gì tôi sử dụng từ cái đầu.
Nhưng chị thấy đấy, sàn diễn ở ta vẫn chưa là nơi thu hút những tài năng catwalk, những người tổ chức chương trình đưa các “hot girl”,”nữ hoàng nội y”… vào để câu truyền thông, chứ không phải để diễn đồ. Đấy chưa nói một thực tế khác, ngay cả người mẫu có danh, thì lại thi nhau làm vedette, không ai chịu nhường ai, chặt chém nhau trên sàn diễn…
Một số trường hợp, nhà thiết kế, nhà sản xuất đem ra những yêu cầu đặc biệt để câu truyền thông, người thực hiện chương trình thường phải thực hiện theo yêu cầu, điều đó là có. Là một người chuyên nghiệp, tôi không hề muốn điều đó. Tôi chỉ muốn chọn những người mẫu đúng nghĩa lên sàn diễn chứ không chọn hot girl, không chọn nữ hoàng nội y này, nữ hoàng áo tắm kia lên sàn diễn mà làm gì nếu vóc dáng không phù hợp và không biết biểu diễn. Nếu bị đặt vào tình huống khó xử, tôi sẽ từ chối để bảo vệ sàn diễn thời trrang thực sự và thỏa mãn niềm đam mê của những người mẫu yêu nghề cũng như sự yêu mến của khán giả Việt Nam với thời trang chứ không phải vì một người mà đánh đổi cả mấy chục người.
Cũng không ít người đã từng nói với tôi, là sẵn sàng diễn không lấy cát sê với điều kiện phải cho diễn ở vị trí vedette. Tôi trả lời: thà là chị không có em, chứ chị không thể bỏ tất cả những bạn vedette khác đang nổi tiếng hơn em mà sẵn sàng diễn ở những vị trí bình thường và từ giờ trở đi, chị cũng sẽ không bao giờ hợp tác với em nữa. Và tôi đã ngưng làm việc với một vài người như vậy đấy. Trong tất cả những buổi diễn mà tôi phụ trách, không có ai là ngôi sao mà chỉ có những người mẫu chuyên nghiệp, tôn trọng giờ giấc, tôn trọng bạn diễn, tôn trọng đạo diễn chứ không muốn chào đón những ngôi sao đến để yêu sách và hoạnh họe, đi muộn về sớm, đòi hỏi vị trí để cuối cùng diễn mình nhiều hơn diễn đồ.

Là một người trân trọng và yêu quý nghề người mẫu, tại sao ở một thời điểm chị có ý định giải nghệ?
Cái thời của tôi từ năm 1998 – 2004, tất cả chung một sàn diễn, tóc, layout giống nhau. Và diễn đồ. Một người ra đứng tạo dáng 3-4 giây phải đi vào. Làng thời trang Việt Nam đã có một thế hệ người mẫu vàng gồm Xuân Lan, Hồ Ngọc Hà, Bằng Lăng, Ngọc Thúy, Dương Yến Ngọc, Anh Thư, Kim Hồng, Uyên Lan, Phan Thu Ngân… mỗi người một vẻ và diễn rất chuyên nghiệp. Sau đó, một vài cô gái nổi lên, diễn bắt đầu có tiếng một chút, có vài danh hiệu thì õng ẹo, bỡn cợt và coi thường thời trang, coi thường nhà thiết kế, coi thường khán giả và coi thường ngay chính bản thân mình.
Có một thời gian tôi rất sợ đi xem những show diễn thời trang ở Việt Nam và tôi trốn một thời gian rất dài. Không ít các em người mẫu, trong đó có những em rất nổi tiếng, không phân biệt được một người mẫu khác với một diễn viên múa cột, nhảy sexy show là ở chỗ nào, ra sân khấu cứ ưỡn a ưỡn ẹo, chặt chém nhau, đi ra một vòng thì không đi vào hoặc đi vào giữa chừng lại tiếp tục đi ra, ôm cây cột tuột lên tuột xuống, cong môi, nheo mắt, vuốt ngực, vuốt mông, quay mông cong cớn trên sàn diễn…
Một em nổi tiếng ở vị trí vedette làm được thì các em ở vị trí khác cũng làm vì tưởng điều đó là hay, là nên học. Suốt một thời gian dài sân khấu thời trang Việt Nam rất đáng sợ, quá kinh khủng. Các em diễn mình chứ không phải diễn đồ. Trong khi hàng ngày người ta càng theo hướng chuyên nghiệp thì các em kéo lùi lại, diễn cứ như là những show sexy show của những người chuyển giới. Có những bộ trang phục lẽ ra không hở hang đến mức như thế, nhưng các em cứ cố tình, khoét chỗ nọ, xẻ chỗ kia, hở trên hở dưới để nóng bỏng hơn những người mẫu khác. Layout mắt nâu thì các em làm mắt đen. Tóc bối thì làm tóc xanh. Một người dán một cặp lông mi thì người khác sẽ 2 cặp, thậm chí có người trên 3 cặp lông mi và dưới 2 cặp lông mi, một người đánh môi nhạt thì cô kia lại đánh môi hồng cánh sen. Một cô khác thấy vậy lại đánh môi đỏ, rồi cô khác nữa lại đánh môi bầm. Tất cả làm cho một sân khấu thời trang rất hỗn loạn.
Rồi các em đi theo xu hướng chỉnh sửa, giải phẫu thẩm mỹ. Cắt mắt, gọt cầm, nâng mũi giống nhau và cùng một kiểu trang điểm đậm một cách vô hồn. Đấy chưa nói đến các em mải mê chặt chém nhau về đủ các thứ từ trang điểm, môi mắt đến việc ưỡn ẹo múa may hay cố tình đứng cho lâu trên sàn diễn. Các em không cảm được nhạc để đi cho đúng. (Dĩ nhiên, trong thời “hỗn loạn” ấy, vẫn có những vượt qua mọi rào cản để giữ hình ảnh đến thời điểm này và vẫn diễn rất tốt là Thanh Hằng, Kim Minh, Hoàng Yến, Phùng Ngọc Yến, Thanh Hoàng, Kim Cương, Anh Thư... Họ vẫn sống đúng với sự chuyên nghiệp của nghề và là những hình ảnh đẹp.)
Nói thật, nhiều người mẫu của ta, không hiểu sao khi họ xuất hiện trong nhiều bộ hình, rất… sến. Đấy chưa kể đến, khi mặc đồ tắm, nhiều trường hợp hơi dung tục. Theo chị…
Nói đi thì nói lại, một nhân tố không nhỏ tiếp tay cho họ để họ lệch tư duy như vậy, ngoài 3 lý do anh vừa kể, thì chính là truyền thông. Nếu truyền thông không giật những cái title kiểu: “Siêu mẫu A khoe ngực gợi cảm, siêu mẫu B tung tăng thả ngực dưới nắng hè…” thì không đến nỗi các bạn chạy theo ảo tưởng hình thể và cứ nghĩ rằng đó là những thứ mà xã hội đang thích.
Người mẫu, thì nên chỉ làm mẫu và tôn vẻ đẹp của sản phẩm. Ví dụ, bikini, mặc sao để người ta cảm nhận được sự tươi trẻ, sống động chứ không phải là gợi dục. Gợi cảm của thời trang nó sẽ khác gợi cảm về phòng the và rất nhiều người mẫu đã không phân biệt được điều đó. Thế nên, báo chí cũng chạy a dua theo một xu hướng: cứ gợi cảm có nghĩa là hở hang, làm cho đa số hiểu gợi cảm là gợi dục. Người mẫu quốc tế diễn bikini đơn giản, tinh tế và trong sáng. Nếu bạn mặc một bộ bikini trong một không gian nào đó để người ta cảm nhận được vẻ đẹp của bộ áo, để cho những người phụ nữ thích bộ đồ đó chứ không phải để người đàn ông đặt câu hỏi: “Cô này mà ngủ với mình thì sẽ thế nào?”
Tại sao thời gian vừa rồi, chúng ta có những bộ ảnh nude bảo vệ cái này, bảo vệ cái kia, lại thêm một cô gì nữa bảo vệ biển, tôi thấy những ý nghĩa các cô đưa ra với những gì thể hiện trên ảnh thì khác nhau một cách… buồn cười. Không thể ngụy trang việc muốn nổi tiếng, muốn khoe cơ thể bằng những vấn đề to tát và vĩ mô một khi chúng ta chưa chạm được đến những thông điệp đó. Nếu bạn muốn khoe bạn đẹp, thì hãy có những bộ ảnh để người ta chiêm ngưỡng, giá trị của bạn sẽ tăng cao chứ không phải để người ta khều khều, gửi hình đi khắp nơi như những trò mua vui, thì rẻ tiền lắm. Tôi biết có những em là nạn nhân, các em quá non nớt để từ chối những lời đề nghị chụp những bộ ảnh đó. Cũng có những em lợi dụng báo chí, lợi dụng truyền thông để cố ý đẩy mình lên.

Để là một Xuân Lan của bây giờ, hẳn chị cũng phải “chiến” rất nhiều trong làng thời trang môt thời mà chị từng cho rằng nó rất hỗn độn?
Đúng thế.
Nhiều năm về trước, tôi là một cô người mẫu ngây ngô, xốc nổi, sẵn sàng chặt chém đồng nghiệp để bảo vệ cái tôi của mình. Ai mà đổ oan cho tôi, tôi tức lắm, tôi sẽ tìm cách để trả đũa cho bằng được và chặt chém cho đã. Nhìn vào thì ai cũng nghĩ tôi là một cô gái rất nguy hiểm, rất dữ dằn, nhưng tôi là một cô gái rất yếu đuối. Tôi chỉ xù nhím lên bảo vệ sự yếu đuối của tôi thôi. Nó có phần nào rất giống những nhân vật trong các vở kịch mà tôi đã diễn.

Kịch và tôi
Cuộc đời của Xuân Lan ở một mặt nào đó, cũng giống như một vở kịch. Vở kịch đầu tiên, xuất phát từ câu chuyện của chị kể cho đạo diễn Vũ Minh và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc viết lại thành vở kịch Tôi là ai.
Nhưng khi tham gia với tư cách một diễn viên, Xuân Lan chưa được giao vai chính. Thạch Ngọc, mà là một vai phụ, Tường Vy, một cô người mẫu trẻ tuổi. 7 năm sau, cũng vở kịch ấy, Xuân Lan được đảm nhận vai Thạch Ngọc, một cô người mẫu hết mình với nghề, yêu gia đình. Người chồng, một doanh nhân hào hoa, thành đạt, không muốn vợ mình là người của công chúng mà muốn cô chỉ là của riêng anh ta, nên đã ép vợ bỏ nghề, thậm chí tìm cách bẻ gót giày cho vợ té trên sàn diễn để rồi tức chí mà bỏ nghề. Éo le thay, khi cô bỏ nghề để trở về, người chồng lại bắt cô thề là không được bỏ nghề người mẫu, với mục đích đem vợ mình đánh đổi cho đối tác lấy một hợp đồng kinh tế vì đối tác chỉ thích “vui chơi” với người mẫu. Sự mất mát của một người mẫu đang có địa vị, có hào quang, đẩy cô đến không còn điểm tựa và phải đi lang thang ngoài đường. Cô gặp một người bạn thân, là một ca sĩ. Anh này cũng đang mất hết tất cả khi dính scandal và bị bầu sô trở mặt. Anh ta muốn lợi dụng bạn mình, làm một clip sex để tung lên mạng. Trong cơn tuyệt vọng, cô tự cắt tay mình để bảo vệ sự trong sạch của mình.
Khi diễn vai này, Xuân Lan mua nhiều vé để mời tất cả học trò của mình đi xem, cho học trò thấy những phức tạp của showbiz để có thể lường trước được những gì mình vấp phải, tránh những vết xe đổ của người đi trước…
Đến với kịch nói, Xuân Lan không lấy danh một người mẫu nổi tiếng để đòi hỏi những vai diễn để khẳng định cái danh mà ngược lại, chị học hỏi từ đầu. Bắt đầu bằng những vai phụ, nhỏ như không thể nhỏ hơn, Xuân Lan vẫn làm với nguyên tắc: làm gì cũng hết mình và học đến nơi đến chốn. Như trong vở Những con ma trong nhà hát, vào vai con ma người mẫu, trong vòng 2 phút, với hành động đi ra sân khấu một vòng, đứng ở cửa ngáp hai cái và đi ra luôn. Sau đó, chị tiếp tục đến với những vai phụ.

Xuân Lan tâm sự, lần đầu chị đến với sân khấu khá mất tự tin với thân hình lọng cọng, tay chân thừa thãi. Chị khắc phục từ giọng thoại, hình dáng, cách biểu cảm thân thể, tay chân, cử chỉ qua các dạng vai khác nhau để hoàn thiện dần. Đến vai Sát thủ hai mảnh áo vàng, chị mới định hình được vị trí khá chắc. Rồi qua vai Sát thủ áo xanh trong Người trong mộng, rồi tới sát thủ bị khùng trong Họng súng vô hình, và bây giờ là Thạch Ngọc trong Tôi là ai, một người mẫu đối diện với một cuộc đời giông bão và cô đơn đến cùng cực, Xuân Lan tự tin với danh xưng “Xuân Lan diễn viên”.
Riêng ở vở Tôi là ai, chị cho biết, một lần, khi diễn xong, sau khi chào khán giả, chị nhìn xuống thấy nguyên một dàn người mẫu Hoa học đường cũ với Yến Nhi, Thủy Tiên, Thân Thúy Hà, Ngọc Nga… Ngọc Nga lên sân khấu tặng hoa và ôm chị khóc rất lâu và tất cả những đồng nghiệp của chị ngồi bên dưới cũng khóc, khi gặp lại hình ảnh của mình qua vai diễn của một đồng nghiệp. “Đa số, trong tình cảm, người phụ nữ luôn phải chịu thiệt thòi và có những khổ đau không thể nào nói ra được” – Xuân Lan tâm sự.

Tôi là ai?
Trước đây, giọng tôi không sắc lạnh như bây giờ. Sự sắc sảo, chặt chẽ của tôi có được từ những tự vệ với cuộc sống. Những trải nghiệm, những đau đầu của một người phụ nữ yêu nghề, thất vọng vì nghề, yêu rất nhiều và thất vọng rất nhiều với người mình yêu, mất mát và hụt hẫng làm cho cuộc sống của tôi đầy hơn.
Tôi là một người phụ nữ yếu đuối, dễ rung động, dễ cảm xúc. Linh cảm được ai làm tôi đau, tôi xù lông lên để người ta nghĩ tôi hung dữ, nghĩ tôi mạnh mẽ. Nhưng rốt cuộc, nỗi đau tôi lại vẫn nhận về phía mình. Tôi nếm đủ cảm giác đau đớn để thấy được sức chịu đựng của mình. Nhưng sau đó, tôi tập cho mình cái suy nghĩ, nếu mình không thương mình thì chẳng ai thương mình cả.
Trong chuyện tình cảm, tôi là một người phụ nữ sống rất bản năng. Bản năng ở đây, thích tôi làm, không thích tôi không bao giờ làm cho dù người ta có yêu cầu tôi thay đổi hoặc bắt tôi thay đổi để thích nghi với sự kiện trong thời điểm đó. Ai đó yêu tôi mà bảo: em phải thay đổi như thế này thế nọ mới quen nhau lâu dài, mới xây dựng chuyện hôn nhân, thì tôi càng nói không vì không muốn ép mình. Cũng vài người muốn tôi bỏ nghề, tôi nghĩ đến chuyện một ngày tôi không lên sân khấu nữa, không làm công việc liên quan đến thời trang nữa, tôi cảm thấy ngạt thở. Tôi hình dung nế như thế coi như mình đang chết.
Đôi khi tôi hay ngộ nhận, lãng mạn một cách thái quá. Tôi rất dễ yêu và dễ mất mát. Có thể, đối với người khác nhiều khi chỉ là say nắng và họ ngộ ra. Nhưng với tôi, đó là cảm xúc và sống với cảm xúc đó. Rất nhiều tình huống đã xảy ra và lặp đi lặp lại. Đôi lúc tôi hỏi tôi rằng mình có nên yêu nữa hay không, vì yêu ai cũng thấy nghiệt ngã và ai cũng làm cho mình bị thất vọng. Một thời gian tôi cố gắng không yêu và tôi nhận ra rằng, thời gian đó tôi không có cảm xúc sống…

Mối tình của tôi với Hoàng Thanh tạo cho tôi sự mạnh mẽ như bây giờ. Nó giúp tôi có những trải nghiệm, kinh nghiệm sống, cách xử lý khéo léo hơn trong những tình huống tương tự. Trải nghiệm này hoàn toàn khác biệt so với những người khác – thật nghiệt ngã nhưng khiến tôi biết xử lý tình huống khi lặp lại một cuộc tình như thế hơn. Có thể kiếp trước tôi mắc nợ Hoàng Thanh. Trải qua một chẳng đường tình trắc trở, gần như tôi trả hòai hết người nọ sang người kia, hết chuyện này đến chuyện khác và tôi không thấy hạnh phúc được. Nếu có yêu nữa, có đau khổ nữa, tôi cũng đành chấp nhận và cho rằng, mình đã có được cảm xúc sống cho cuộc sống không vô vị để rồi chẳng phải thất vọng một điều gì nữa. Đau cũng là một cách tận hưởng để tôi vượt qua nó một cách nhanh chóng hơn.
Cách đây không lâu tôi với một nhóm bạn đi biển, tận hưởng những ngày như thiên đường, ngồi ngắm trăng trên bãi biển rồi đến những khu rừng ngập mặn, quay lại Sài Gòn, tôi thèm lại khoảnh khắc đó. Tôi nhớ từng chi tiết một trong căn phòng tôi ở, từng giọt nước trong hồ bơi đọng trên những cánh hoa chúng tôi thả xuống. Những kỷ niệm đẹp tôi cất lại trong ngăn tủ của cuộc sống mình, khi trở lại thực tại, tôi lại phải thích nghi, phải sống. Rảnh rỗi, tôi lại mở những ngăn tủ đời mình ra để ngắm nghía lại. Tôi chỉ nói, Xuân Lan bây giờ hay 20, 30 năm sau, vẫn là một người đau đầu với cuộc sống và tình yêu đôi lứa. Tôi vẫn thích chọn cho mình một cảm xúc sống như vậy vì tôi biết mình không thể trốn chạy được với bản năng sống của mình. Tôi biết, tôi thay đổi cuộc sống thì cảm xúc sống tôi sẽ biến đổi theo. Tôi đã áp dụng với gia đình mình và tôi đã không vượt qua được bản năng của mình. Nên cho dù thế nào đi nữa suốt cuộc đời này, Xuân Lan vẫn là Xuân Lan của những cá tính này, với những cảm xúc sống như thế này, đam mê như thế này và đau đầu như thế này. Và, khi nào có chuyện buồn đau, Xuân Lan lại mở những ngăn tủ của những ký ức đẹp ra để tìm lại những cảm xúc sống với thiên đường.

Thế hệ sau sẽ làm giúp tôi
Có vẻ như làng người mẫu Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi cái kiểu “đầy đầy sến sến”, không có mấy sắc vóc lạ kiểu Vũ Cẩm Nhung, Xuân Lan của ngày trước…
Có rồi đấy. Sàn diễn thời trang ở Việt Nam đã có một thế hệ người mẫu mới khá đều, mỗi người một cá tính, vóc dáng chuẩn và đúng tất cả các tiêu chí mà sàn diễn quốc tế cần. Có điều, sự biểu diễn của các em còn non nớt, cũng dễ hiểu là các em mới được đào tạo nghề chưa lâu. Ở thế hệ này, có một ngọn lửa đam mê rất lớn, chịu khó học hỏi và sống hết mình với nghề.

Ở thế hệ tiếp theo như chị nói (trong đó có những học trò của chị), thì chị có vẻ đẩy họ đi quá nhanh. Và (có vẻ như), chị lấy 15 năm kinh nghiệm của mình ra để bắt họ phải làm được như mình. Điều đó có hoang tưởng quá không?
Đôi khi tôi hơi sai lầm là tôi lấy sự thành công 15 năm của tôi để áp đặt cho các em (hồi xưa, phải mất 3 năm tôi mới khẳng định được). Tôi muốn các em phải biểu cảm được như tôi, chuyên nghiệp được như tôi và ứng xử mọi tình huống được như tôi, cảm nhạc và phiêu được như tôi. Nhưng tôi nghĩ lại, thấy mình hơi bị quá. Tôi trải nghiệm nhiều và bầm dập nhiều, mới tích lũy được. Còn các em làm được điều đó là các em đã khá rồi. Và tôi biết các em còn học được nhiều hơn nữa. Sau cuộc thi, đối với các em, tôi vẫn rất nghiêm khắc để các em biết các em không được lơ là.
Nhưng cũng không thế lấy thời xưa so với thời nay. Cơ hội đã có, các em phải nỗ lực thôi vì thời gian không đợi ai cả. Cơ hội vươn ra sàn quốc tế rất nhiều, các em phải nỗ lực thôi. Còn chúng tôi thì luôn luôn nghiêm khắc. Sau 15 năm, tôi vẫn đang học những điều mới của thời trang và tôi đang thay đổi mỗi ngày.

Chị có tiếc cơ hội vươn ra sàn diễn quốc tế của mình đã không còn, trong khi học trò của mình có thể làm được.
Nếu nói không thì là nói dối. Tôi cũng thèm được một lần bước lên sàn diễn thời trang quốc tế như các em. Đó là điều tôi tiếc nhất. Nhưng không vì thế mà tôi ganh ghét với các em. Bù lại, tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời và vẫn giữ được lửa để truyền lại cho các em và cái quan trọng là mình đã làm hết vai trò của một chiếc cầu nối đến thế hệ mới năng động hơn. Tôi cũng cho rằng với tôi, đó là cơ hội để tôi có được động lực đào tạo ra nhiều học trò hơn nữa và biết đâu sau này, những học trò của tôi là những người mẫu thời trang của Việt Nam sáng giá trên sàn diễn thời trang quốc tế? Nếu tôi chưa làm được mà học trò làm được, thì học trò cũng đã đại diện cho những tâm huyết và đam mê của tôi rồi
Theo Thế Giới Người Nổi Tiếng 5/2012

Hocbong.org

About Hocbong.org

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Bài đăng phổ biến